Phân tích bài thơ Đất Nước Nguyễn Đình Thi

19 February 2023

Views: 118

Các bài phân tích Đất Nước Nguyễn Đình Thi dưới đây chắc chắn sẽ là tài liệu cần thiết cho các em học sinh lớp 12 chuẩn bị cho các kì thi sắp tới. Hôm nay Top 10 Branding sẽ tổng hợp Top 10 bài phân tích Đất Nước của Nguyễn Đình Thi hay nhất. Hãy cùng cúng tôi tìm hiểu nhé!
Phân tích Đất Nước Nguyễn Đình Thi
Trong chủ đề về đất nước Việt Nam, có rất nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi đặc sắc đi sâu vào lòng người đọc, trong số đó không thể không kể đến tác phẩm Đất nước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Bài thơ Đất nước được nhà thơ viết và chỉnh sửa từ hai bài “Sáng mát trong như sáng năm xưa” và bài “Đêm mít tinh”. Chính vì vậy bài thơ được viết trải dài từ năm 1948 đến năm 1955 tức là từ lúc đất nước còn đang trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp đến khi cuộc kháng chiến kết thúc.

Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Mở đầu bài thơ là sự hồi tưởng của nhà thơ về một mùa thu đã xa ở thủ đô Hà Nội. Mùa thu của Nguyễn Đình Thi không phải là hình ảnh “Con nai vàng ngơ ngác – Đạp trên lá vàng khô” như trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, cũng không phải “Bỗng nhận ra hương ổi – Phả vào trong gió se” của Hữu Thỉnh hay hình ảnh “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang – Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng” như trong thơ Xuân Diệu, mùa thu ở đây gắn với hình ảnh đặc sản hương cốm của Hà Nội. Mùa thu cũng là mùa của những vụ cốm mới, hương non xanh, thoang thoảng đưa trong gió khiến nhà thơ đi xa mà vẫn da diết nhớ về. Dường như mùa thu là mùa nhớ, bởi thu về thường làm cho cảm xúc của con người trở nên dào dạt, thiết tha. Những cảm xúc đó khiến nhà thơ bổi hổi nhớ thương về Hà Nội, một Hà Nội lúc xao xác vì người di tản, người đi ra chiến trường. Hình ảnh người lính ra đi đầu không ngoảnh lại là thủ pháp miêu tả sâu sắc, người lính ấy ra đi rõ ràng là không ngoảnh đầu lại nhưng điều ấy lại càng chứng tỏ rằng họ lưu luyến, không muốn rời xa mảnh đất này. Ấy vậy mà những tình cảm mãnh liệt ấy vẫn không chiến thắng được sự quyết tâm và dứt khoát lên đường của người lính. Câu thơ có sự đan xen giữa tình yêu quê hương với nghĩa vụ và lòng quả cảm của một người lính lên đường đi bảo vệ Tổ quốc.

“Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha!

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.

Ở đoạn thơ trên tác giả đã gợi nhớ về hình ảnh một mùa thu tại thủ đô Hà Nội, những năm kháng chiến tang thương thì đến đoạn thơ này mùa thu được miêu tả ở nơi chiến khu nhà thơ đang sống. Hàng loạt những hình ảnh biểu tượng, gắn bó thân thiết với quê hương đất nước được liệt kê: rặng tre, ngả đường, cánh đồng, dòng sông. Hình ảnh dòng sông nặng phù sa không chỉ là lời tự hào về thiên nhiên đất nước Việt Nam mà còn ẩn ý về một nền văn hiến lâu đời. Phù sa ấy đã được những con sông bồi đắp bằng bốn nghìn năm lịch sử, trải qua biết bao thăng trầm, máu của biết bao người đã đổ xuống để hôm nay dòng sông ấy “nặng” lên những phù sa đỏ một màu. Thêm vào đó, điệp từ “chúng ta” như khẳng định một lần nữa về chủ quyền dân tộc. Tất cả những sản vật, những biểu tượng ấy là của dân tộc Việt Nam, là của một cái “ta” chung chứ nhà thơ không hề nói đến bản thân mình, nó làm cho tâm hồn nhà thơ như thấy trẻ lại, như vui phơi phới vì mùa thu vì đất trời của mình.

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về!”

Những câu thơ đột ngột thay đổi nhịp điệu từ vui tươi phơi phới, hoạt bát nhanh nhạy sang một tông trầm lắng, nhẹ nhàng. Từng câu từng chữ như những lời rì rầm nhắc nhở về truyền thống lịch sử của dân tộc. Những tiếng thì thầm trong tiếng đất ấy phải chăng là những lời nhắc nhở của những con người đã nằm xuống, làm cho chúng ta phải nhớ về và ý thức được nghĩa vụ, vai trò của mình với non sông đất nước, với Tổ quốc thiêng liêng và những người anh hùng, thế hệ cha ông đã nằm xuống cho chúng ta hôm nay.

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.

Từ những năm đau thương chiến đấu

Ðã ngời lên nét mặt quê hương

Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu

Ðã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt

Bay còn giằng khỏi miệng ta

Thằng giặc Tây, thằng chúa đất

Ðứa đè cổ, đứa lột da…”

Nếu như ở những đoạn thơ trước, từng câu thơ nhịp thơ đều nhịp nhàng như một bài ca, uyển chuyển trong từng con chữ như một khúc hát để khơi gợi lại lịch sử vẻ vang cùng niềm tự hào dân tộc thì đến đoạn này, giọng thơ đột nhiên chuyển sang ngữ điệu gầm vang, như tiếng thét bật lên trước bối cảnh hiện thực. Cũng bởi cuộc chiến tranh đẫm máu đã để lại quá nhiều dấu vết rải rắc khắp đất nước Việt Nam. Những cánh đồng quê giờ đây không còn bát ngát mà nó “chảy máu”. Những hàng rào dây thép gai vươn lên sừng sững hung tợn như xuyên tạc cả một bầu trời. Tội ác của bè lũ thực dân như dàn trải ra khắp những hình ảnh thân thuộc bình dị gắn bó nhất với dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh ấy người chiến sỹ khi hành quân trên những chặng đường dài bỗng bồn chồn nhớ người thương da diết. Nỗi nhớ ấy là nỗi nhớ của những con người đang ngày đêm chiến đấu gian khổ, đang từng ngày đổ máu và nước mắt của mình xuống để giữ lại quê hương. Họ nhớ về người yêu tức là nhớ về cái hạnh phúc giản đơn mà mộc mạc. Nhớ về những mái ấm mà đáng lẽ họ phải có nhưng lại bị chiến tranh chia cắt. Nỗi nhớ người yêu không chỉ đại diện cho nỗi nhớ gia đình mà nó còn thể hiện một khát vọng hòa bình, một mong ước về hạnh phúc lứa đôi. Những con người cầm súng hôm nay là những con người đi lên từ gốc lúa. Họ bị buộc phải cầm súng, cầm lê thay vì cầm liềm cầm cuốc. Sở dĩ phải như vậy là bởi đến miếng cơm manh áo mà họ vất vả đổ mồ hôi nước mắt bán mặt cho đất bán lưng cho trời làm ra nhưng lại bị lũ giặc giằng khỏi miệng. Có áp bức thì phải có đấu tranh, tức nước thì vỡ bờ, huống chi dân tộc của họ, quê hương của họ lại đang bị xâm lăng.

“Xiềng xích chúng bay không khoá được

Trời đầy chim và đất đầy hoa

Súng đạn chúng bay không bắn được

Lòng dân ta yêu nước thương nhà!

Khói nhà máy cuộn trong sương núi

Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng

Ôm đất nước những người áo vải

Ðã đứng lên thành những anh hùng.”

Đoạn thơ như một bản hịch ngợi ca tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Dù cho quân địch có súng đạn, có những vũ khí lợi hại, dù cho chúng có sử dụng những cực hình để tra tấn người cách mạng thì cũng không thể nào dập tắt được lòng dân và khí thế cách mạng. Những người chiến sỹ kiên cường, dũng mãnh ấy dù là những người anh hùng áo vải, những người nông dân chân chất nhưng nhờ sự đoàn kết một lòng và sức mạnh của lòng yêu nước họ vẫn đứng lên xả thân cho đất nước.

“Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội

Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng loà.”

Sự quyết tâm và lòng dũng cảm chiến đấu của những người lính cả đêm cũng như ngày, mỗi một đoạn đường những người lính tiến lên, biết bao máu xương của người anh hùng đã đổ xuống. Sự hy sinh ấy chỉ để giành lại đất trời của ta, ta chỉ chiến đấu để giữ gìn quê hương của ta, vì vậy cuộc chiến của ta là cuộc chiến chính nghĩa, những người anh hùng đang chiến đấu và hy sinh ấy trong lòng vẫn sáng trong và rạng rỡ ánh bình minh.

Đoạn thơ cuối nhịp điệu bỗng trở nên mạnh mẽ, giọng thơ như một tiếng gầm mạnh, ấy là lúc cuộc chiến bước vào giai đoạn cam go, những người lính như xông lên đánh giáp lá cà, như mang lưỡi lê của mình mà tiến thẳng vào kẻ thù. Đất nước Việt Nam, những con người Việt Nam rũ bùn mà đứng dậy, ngời sáng như những tượng đài. Súng đã nổ và đoàn người đã tiến lên. Nhưng hình ảnh rũ bùn đứng dậy sáng lòa ấy như là một sự tiên báo trước chiến thắng ắt phải thuộc về chúng ta.

Với những vần thơ nhịp nhàng uyển chuyển như những giai điệu của một bài hát, lúc lên bổng xuống trầm, lúc vang vọng như những lời hiệu triệu, lúc sâu lắng như những tiếng thầm thì, có khi lại như những lời ca reo vui. Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi đã cô đọng, ẩn chứa cả một tiến trình lịch sử gian nan mà quả cảm của dân tộc và những người anh hùng Việt Nam đồng thời là tiếng lòng thương yêu của người chiến sỹ tới quê hương đất nước của mình. Đây cũng là một trang sử sống động để các thế hệ hôm nay có thể thấy và cảm nhận được một giai đoạn lịch sử máu xương mà tự hào của dân tộc ta.
Link phân tích Đất Nước Nguyễn Đình Thi: https://top10branding.net/phan-tich-dat-nuoc-nguyen-dinh-thi/
Link dàn ý Đất Nước Nguyễn Đình Thi: https://top10branding.net/dan-y-bai-tho-dat-nuoc-nguyen-dinh-thi/
Link sơ đồ tư duy Đất Nước Nguyễn Đình Thi: https://top10branding.net/so-do-tu-duy-bai-dat-nuoc-nguyen-dinh-thi/
Link soạn bài Đất Nước Nguyễn Đình Thi: https://top10branding.net/soan-van-bai-dat-nuoc-nguyen-dinh-thi/
Link mở bài Đất Nước Nguyễn Đình Thi: https://top10branding.net/mo-bai-bai-tho-dat-nuoc-nguyen-dinh-thi/
Link kết bài Đất Nước Nguyễn Đình Thi: https://top10branding.net/ket-bai-bai-dat-nuoc-nguyen-dinh-thi/
Link phân tích 7 câu đầu Đất Nước Nguyễn Đình Thi: https://top10branding.net/phan-tich-7-cau-dau-bai-dat-nuoc-nguyen-dinh-thi/
#phantichdatnuocnguyendinhthi #danydatnuocnguyendinhthi #sodotuduydatnuocnguyendinhthi #mobaidatnuocnguyendinhthi #ketbaidatnuocnguyendinhthi #phantich7caudaudatnuocnguyendinhthi

Share